Công Ty Gia Huy
Trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM chưa xảy ra sự cố về cháy nổ tại tầng ngầm các tòa nhà. Tuy nhiên, qua một số vụ cháy tầng hầm trên thế giới và gần đây tại Hà Nội - một đám cháy bùng lên dữ dội tại tầng hầm chung cư 17 tầng làm hàng trăm người hoảng loạn, không có thiệt hại về người nhưng nhiều đồ vật, xe cộ bị hư hỏng cho thấy sự nguy hiểm khôn lường của các sự cố dạng này.
Điều đáng nói là đa số các tầng hầm hiện nay ở nước ta không có hoặc không hoàn chỉnh hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn. Theo Sở cảnh sát PCCC TP.HCM, các nhà xây dựng và quản lý công trình phải có ý thức và tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt trong PCCC tầng hầm.
Yêu cầu về lối thoát nạn
Phải đảm bảo các yêu cầu thoát nạn nhanh chóng và an toàn khi xảy ra cháy ở các tầng hầm. Các tầng hầm phải có đủ số lối thoát nạn, bố trí phân tán. Theo quy định tối thiểu phải có 2 lối thoát ở mỗi tầng. Lối thoát nạn phải đủ số lượng, đủ kích thước theo số người ở tầng đông nhất, các buồng thang bộ phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lửa, khói, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra, được thông gió; chiếu sáng ký hiệu chỉ dẫn và lối lên mặt đất của các cầu thang bộ thoát nạn từ tầng hầm phải trực tiếp ra bên ngoài; không để các đồ vật cản trở lối thoát nạn, không tự ý rào chắn, cửa ngăn. Cơ sở có người tàn tật, người không tự thoát nạn được phải có phòng lánh nạn tạm thời để chờ lực lượng ứng cứu. Phòng này phải bảo đảm ngăn cháy, chống khói, được thông gió và chiếu sáng sự cố.
Thiết kế cầu thang bộ thoát nạn ở công trình nhà cao tầng có phần ngầm cần tạo buồng đệm khi có sự thông nhau giữa giếng thang máy và tầng ngầm. Trong tất cả mọi trường hợp, cấu kiện ngăn cách của buồng đệm phải làm bằng vật liệu không cháy và có giới hạn chịu lửa theo quy định. Để chống tụ khói cho các công trình ngầm có thể sử dụng hệ thống thoát khói cơ khí, tạo áp suất dư trong các phòng tầng bảo vệ và thực hiện các giải pháp kỹ thuật về kết cấu - quy hoạch để cách ly nguồn tạo khói giữa các tầng và đường thoát nạn. Tạo áp suất dư trong buồng thang bộ và giếng thang máy có thể sử dụng hệ thống quạt gió.
Giải pháp ngăn cháy và chống cháy lan
Khoang ngăn cháy là một phần không gian của nhà, công trình được ngăn cách với các phần không gian khác bằng các bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa thích hợp và các lỗ cửa mở trên đó đều được bảo vệ tương ứng nhằm hạn chế sự phát triển của đám cháy. Do đó tầng hầm cần được chia thành các khoang ngăn cháy để hạn chế đám cháy lan rộng ra và làm giảm cường độ nhiễm khói trong mỗi khoang ngăn cháy của tầng hầm. Diện tích tối đa mỗi khoang ngăn cháy ở phần ngầm của công trình xây dựng được quy định trong tiêu chuẩn chuyên ngành về PCCC (TCVN: 2622-1995 phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - yêu cầu thiết kế; TCVN: 6160 - 1996 phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng - yêu cầu thiết kế), không quá 500 m2 nếu có thiết kế hệ thống chữa cháy tự động không quá 1.000 m2. Tuy nhiên, vấn đề này trong thực tế rất khó áp dụng, hiện tại cho phép thay thế tường ngăn giữa các khoang ngăn cháy bằng hệ thống màng nước ngăn cháy.
Cần đặc biệt lưu ý khi xây dựng công trình ngầm đối với việc chống thẩm thấu khí ở sàn ngăn của các tầng ngầm. Tại những vị trí luân chuyển giữa các tầng của hệ thống đường ống kỹ thuật (ống cấp thoát nước, ống thông gió, ống đổ rác) cần được làm bằng vật liệu không cháy, cửa đi trên đường thoát nạn phải đảm bảo kín và có thiết bị tự động đóng. Phải có van ngăn cháy ở các vị trí giao nhau giữa đường ống thông gió cơ khí với sàn và hệ thống ngăn.
Trong quá trình tổ chức chữa cháy công trình ngầm sử dụng làm bãi đỗ xe, có khả năng xăng dầu từ các bình nhiên liệu của các phương tiện giao thông chảy ra gây cháy lan nhanh toàn khu vực. Do xăng dầu chảy theo lượng nước phun ra từ các phương tiện chữa cháy nên nhất định phải thiết kế hệ thống thu hồi xăng dầu tại mỗi khoang ngăn cháy trước khi chảy vào hệ thống thoát nước chung của công trình.